Ý kiến thăm dò
KHÁI QUÁT CHUNG
- Vị trí địa lý và địa giới: Xã Cẩm Ngọc nằm bên bờ tả ngạn sông Mã, cách trung tâm huyện Cẩm Thủy khoảng 6 km về phía tây, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60 km về phía Đông nam. Với tổng diện tích đất tự nhiên 2.999,7 ha, xã có chiều dài trên 10 km, chiều rộng từ 2 – 6 km. Phía đông giáp hai xã Cẩm Long và Cẩm Phú được ngăn cách bởi dãy đồi tranh như Eo gió, đồi ngang; phía đông bắc giáp xã Thạch Cẩm (huyện Thạch Thành); phía tây giáp hai xã là Cẩm Sơn và Cẩm Yên, phía nam giáp với xã Cẩm Tân và Nông trường Phúc do, phía bắc giáp xã Cẩm Phong và Cẩm Tú.
- Địa hình của xã thuộc vùng bán sơn địa nơi tiếp giáp giữa miền núi và đồng bằng, có Sông Mã chảy qua bao bọc khoảng 7 km; có đường Quốc lộ 217 chạy qua gần 9km và đường liên xã Ngọc Long;
- Phân bố hành chính: Toàn xã có 09 thôn; 03 cơ quan trường học, 01 trạm y tế, 01 Hợp tác xã dịch vụ; xã có các công ty doanh nghiệp đóng trên địa bàn như Công ty Cao su Thanh Hóa, Nhà máy Gạch Cẩm Thủy, Trại giống Ngô Cẩm Thủy.
- Dân số: Theo số liệu năm 2016 xã Cẩm Ngọc có 1.752 hộ với 7.077 khẩu;
- Dân tộc: xã có 02 dân tộc anh em cùng sinh sống đó là dân tộc Mường và dân tộc Kinh; trong đó dân tộc Mường là 970 hộ chiếm 55,3 % với 3991 khẩu chiếm 56,3%; dân tộc Kinh là 777 hộ chiếm 44,3 % với 3075 khẩu chiếm 43,4 %; còn lại là một số ít các dân tộc khác do việc kết hôn với người dân tộc ở những vùng khác về đây sinh sống như Tày, Thái, Sán dìu chiếm khoảng 0,15%.
- Tín ngưỡng: Người dân xã Cẩm Ngọc chủ yêu là thờ ông bà tổ tiên; toàn xã chỉ có 22 hộ công giáo = 1,2 % với 112 khẩu = 1,5 %.
- Đời sống kinh tế – văn hóa xã hội: Người dân xã Cẩm Ngọc chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và kinh doanh dịch vụ nhỏ. Mức thu nhập bình quân/ người năm 2016 = 28 triệu đồng/người/năm. Các dân tộc đoàn kết chung sống bên nhau giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của ông cha; tiêu biểu trong các loại hình nghệ thuật có Nghệ thuật Cồng chiêng của thôn Đồng Lão. Đến năm 2009 tất cả các thôn và 03 cơ quan của xã đều đã khai trương xây dựng đơn vị văn hóa; đến năm 2016 tổng số lượt thôn, cơ quan được công nhận danh hiệu đơn vị văn hóa là 92 lượt; trong đó có thôn Phúc Ngọc được công nhận danh hiệu Làng văn hóa Cấp tỉnh (2009 – 2014).
Đảng bộ gồm 13 chi bộ trong đó có 04 chi bộ cơ quan và 09 chi bộ thôn, tổng số đảng viên tính đến nay là 324 Đảng viên.