Ý kiến thăm dò
Cẩm Ngọc, ngày 08 tháng 4 năm 2014
BÁO CÁO
Kết quả sưu tâm Dư địa chí xã Cẩm Ngọc
Kính gửi: Ban tuyên giáo huyện uỷ Cẩm Thuỷ
Thực hiện chủ trương của ban thương vụ huyện ủy về việc, nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách Địa chí huyện Cẩm Thủy.
Căn cứ quyết định của Đảng ủy xã Cẩm Ngọc về việc thành lập ban sưu tầm, biên soạn dư địa chí xã Cẩm Ngọc.
Ban sưu tầm dư địa chí xã Cẩm Ngọc báo cáo kết quả điều tra, sưu tầm như sau:
1. Sự thay đổi tền Làng - Xã Qua các thời kỳ lịch sử (Thời phong kiến, thời pháp thuộc và từ sau cách mạng Tháng tám 1945 đến nay).
Trước năm 1945 xã Cẩm Ngọc có tên là xã Song Nga. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đổi thành xã Ngọc Kìm, cuói năm 1946 theo chủ trương của ủy ban kháng chiến hành chính (UBHC) Tỉnh Thanh Hóa, 12 xã của Cẩm Thủy đổi tên thành tên mới có chữ Cẩm đầu tiên và từ đó có tên Là xã Cẩm Ngọc.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ năm 1960 chuyển Làng Bái, Làng Mống về xã Cẩm Long; năm 1964 chuyển Làng Cò, Làng Ruộng về xã Cẩm Yên; năm 2004 tiếp nhận thôn Phúc Ngọc của xã Phúc Do (có nguồn gốc từ nông trường phúc Do)
Quá trình hình thành các làng của xã Cẩm Ngọc như sau:
- Làng Đồng Lão:
Làng được thành lập là do ông Trương Nghĩa người Mường bứa ( Bá thước) sau khi tham gia công cuộc Phò lê diệt mạc thành công đã về lập làng, do bị tàn quân nhà Mạc trả thù, ông không đầu hàng giặc mà tự sát, khi chết có gò mối mọc lên bao trùm lấy xác ông, nhân dân Đồng Lão đã xây một ngôi đình ngay trên phần mộ để thờ cúng. Sau này ông được phong là thành hoàng làng. Trước năm 1945 làng có 4 dòng họ là Quách, Bùi, Hà, Nguyễn có nguồn gốc từ Hoà bình; họ Hà, họ Trương có nguồn gốc từ Bá thước. Sau năm 1960 có thêm bà con của các huyện Hoằng Hoá, Thiệu Hoá lên định cư với các họ là Dương, Lê, Nguyễn, Kim
- Làng Song Nga:
Làng được thành lập vào đầu thế kỷ XVI, thời vua Lê Chiêu Tông lấy tên là Nga Hạ, tiếp đó vào khoảng năm 1795 thời vua Cảnh Thịnh năm thứ ba Triều Tây Sơn lập nên làng Nga Thượng, Trước năm 1945 cả hai làng hợp laị thành Song Nga (đến năm 1989 chuyển một số hộ về thôn mới Nga Hạ). Làng có các dòng họ là Hà từ Bá Thước xuống; họ Quách, Bùi, Phạm từ Hoà Bình vào. Sau năm 1960 có thêm bà con của các huyện Thiệu Hoá lên định cư với các họ là Dương, Nguyễn, Đặng
Làng có đình thờ Chà Do thờ Thành Hoàng là anh, em nhà Cun Dô và thờ vị thần là ông Hà Công Đức có công khai phá lập làng Nga Hạ trước đây.
- Làng Nga Hạ:
Làng có nguồn gốc từ làng Song Nga, nhân dân trong làng gồm có những người có nguồn gốc ở Song Nga tách hộ, bà con Hoằng hoá, Thiệu hoá lên định cư, các hộ từ làng Thung Bằng chuyển cư đến (do nhà nước xây dựng đập thung bằng). Làng được thành lập vào năm 1989 trên cơ sở đội sản xuất được tách ra từ Song nga. Nhân dân trong làng gồm có các dòng họ là Bùi, Quách, Trương, Lê, Dương, Nguyễn
- Làng Sống:
Làng được thành lập sớm so với các làng trong xã (nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể nhưng đôi câu đối ở đình còn lưu giữ mà người dân vẫn nhớ là Tiên lực bình nhung tích Hiển Lê, hổ oai thoái lộ công phò Lý nghĩa là thờ người có công với cả hai triều đại Lê và Lý). Một số đồ đồng mà dân trong làng đã đào được như Trống đồng, xanh đồng đều gắn với cái tên Bến thuyền đồi nghè.
Trước năm 1945 làng có tên là Làng Sống (tiếng Mường gọi là Lồông Phồông, theo những người cao tuổi trong làng giải thích thì tên làng gắn với một loại cây (tiếng việt gọi là cây Tai Chua). Sau năm 1945 thì đổi thành Phổ Lộng (tên làng gắn với tên HTX) sau năm 2000 thì đổi lại tên Làng Sống như bây giờ
Làng có các họ là Hà, Trương, Lê, Bùi, Phạm, Quách, Cao, Nguyễn, Dương, Trần
- Làng Ngán Vải:
Làng được thành lập và năm 1989, tên làng được ghép từ tên cũ của hai làng Chà Vải và Làng Ngán.
Làng Chà Vải trước tháng 8/1945 có các tên như Đá Vai, Đào Ngãi, Mộc Nghĩa, đến thời Nguyễn gọi là Chà Vải gồm các dòng họ là Trương, Bùi. Sau năm 1945 vẫn giữ nguyên làng cho đến khi có HTX thì gắn luôn với HTX, đến năm 1989 thì hợp nhất với Làng Ngán.
Làng Ngán trước năm 1945 thuộc về Mường Kìm, xã Kìm Hạ gồm các dòng họ Hà, Cao, Bùi, Trương, Quách. Sau năm 1945 vẫn giữ nguyên làng cho đến khi có HTX thì gắn luôn với HTX, đến năm 1989 thì hợp nhất với Chà Vải.
Sau năm 1960 cả hai làng đều có bà con các huyện Hoằng hoá, Thiệu hoá lên định cư với các dòng họ Nguyễn, Dương, Lê
- Làng Kìm:
Làng được thành lập thời Hậu Lê, trước năm 1945 thì Làng Kìm ngày nay có 3 Chòm là Chòm Kìm Hạ, Chòm Nhạ và Chòm Ngọc. Sau năm 1945 thì hợp nhất 3 chòm lại thành Kìm Hạ cho đến những năm 1960 trở đi thì gắn với HTX nông nghiệp. Năm 1989 tái lập thôn gọi là thôn 6 đến năm 2001 đổi thành Làng Kìm như hiện nay.
Trước năm 1945 làng có các dòng họ Hà, Trương, Bùi, Quách, Nguyễn, Cao, Phạm. Sau năm 1960 có bà con các huyện Hoằng hoá, Yên định, Thiệu hoá lên định cư với các dòng họ Nguyễn, Dương, Lê, Ninh
- Làng Song:
Làng được thành lập vào thời Lê Mạc, thuộc xã Song Nga, tổng Gia Dụ. Trước đây Làng có các tên gọi khác như Làng Thông (có cây thông), Song trên, Song dưới (tên làng gắn với Cây Song nhưng cũng đồng nghĩa với vị trí nằm song song với Sông Mã và dọc đường quốc lộ 217). Đình làng cũ có đôi câu đối thờ thành hoàng làng Tự cổ đổng nhung bình mạc khấu, đất kim linh hách bảo lê dân nghĩa là người có công với nước, với làng. Sau năm 1945 đổi thành Ngọc Điền và gắn với tên HTX nông nghiệp, năm 1989 tái lập thôn gọi là thôn 7, năm 2001 đổi thành Làng Song.
Trước năm 1945 làng có các dòng họ Bùi, Trương, Phạm, Hà, Quách, Cao, Phan. Sau năm 1960 có thêm bà con họ Dương của huyện Thiệu Hoá lên định cư.
- Làng Sành:
Làng được thành lập vào đầu thế kỷ XV, gồm có 3 làng nhỏ hợp lại. Chòm Sành do anh em ông Cao Sơn Hiển và Cao Sơn Tại là người có công với nhà Lê về khai khẩn và lập nên; Chòm Chanh do ông Trương Công Ngà quê ở Điền Lư, Bá thước di cư xuống và lập nên; Chòm Vạn Sành (hay còn gọi là Chòm Vạn Phố) là chợ của người hoa lập nên. Dân cư trong làng trước năm 1945 chủ yếu là người Mường từ Bá thước xuống và người Mường từ Hoà bình di cư vào, với các dòng họ Quách, Bùi, Hà, Nguyễn, Trương, Cao, Phạm. Sau năm 1960 có bà con các huyện Hoằng hoá, Thiệu hoá, Vĩnh lộc lên định cư với các dòng họ Nguyễn, Dương, Lê, Kim
Trước năm 1945 Làng Sành là một xã có tên là Cự Linh thuộc tổng Cự Lữ, sau năm 1945 thì 3 làng hợp lại lấy tên là Làng Sành, sau năm 1958 tên làng gắn với HTX gọi là Cự Linh, năm 1989 tái lập thôn đặt tên là thôn 8, sau năm 2000 đổi lại thành tên như hiện nay là Làng Sành.
Làng có hai ngôi đình được xây dựng vào năm 1817 (gọi là đình xòm Sành) thờ thành hoàng làng là ông Cao Sơn Hiển và Cao Sơn Tại; đình xóm Chanh thờ Bạch Nương Công Chúa, thiên Cô Thần Nữ. Cả hai đình này đều có các sắc phong của các triều Nguyễn (hiện nay đình đã bị hư hỏng, các sắc phong cũng đã bị thất lạc).
- Làng Phúc Ngọc:
Làng được thành lập trên cơ sở của đội Phúc Ngọc, nông trường Phúc Do khi nhà nước có chủ trương cho thành lập các thị trấn Nông trường. Năm 2004 thực hiện Nghị định 15/CP của Chính Phủ làng được chuyển về xã Cẩm Ngọc và vẫn giữ nguyên tên cũ (Phúc là chữ đầu của Nông trường phúc Do, Ngọc là chữ cuối của xã Cẩm Ngọc hợp lại thành tên làng Phúc Ngọc).
Cư dân trong làng đều là con em của công nhân Nông trường Phúc Do đã nghỉ hưu và đang công tác, hầu hết là người có quê ở Tỉnh ngoài và Miền trung (là bộ đội Miền nam tập kết ra Bắc về xây dựng Nông trường Phúc Do).
2. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 xã Cẩm Ngọc ngày nay bao gồm 5 xã (Song Nga, Đồng Lão, Kìm Hạ, Cự Linh, Phong Ý), 3 tổng (Gia Dụ, Mông Sơn, Cự Lữ), 2 mường (Mường Dồ, Mường Kìm) của huyện Cẩm Thuỷ cụ thể như sau:
- Xã Song Nga (trước đây thuộc xã Gia Dụ, Mường Dồ, đến năm Khải Định thứ 7 mới tách thành xã Song Nga riêng và có Đồng triện nghĩa là con dấu riêng) gồm có 10 chòm: Nga Thượng, Nga Hạ, Chòm Sống, Chà Vải, Chòm Song, Chòm Ngọc, Chòm Bái, Chòm Mống, Chòm Ruộng, Chòm Cò.
- Xã Đồng Lão thời hậu Lê gọi là Chòm Đồng Thái đến năm 1837 đổi tên là Chòm Đồng Lão thuộc xã Kìm Hạ, đến năm 1917 mới tách thành xã Đồng Lão độc lập, sau đó thì tiềp nhận thêm làng Thung Bằng của xã Phong Ý, tổng Mông Sơn nhưng vẫn giữ nguyên tên cũ là xã Đồng Lão và có đồng triện riêng (Con dấu).
- Xã Kìm Hạ thời hậu lê gọi là Kìm Hạ sách, thời Nguyễn đổi thành Ngọc Kìm sách, năm Minh Mệnh thứ 18 (1937) đổi thành xã Kìm Hạ. Gồm có 4 Chòm: Chòm Kìm Hạ, Chòm Vả, Chòm Ngán, Chòm Nhạ (riêng Chòm Nhạ phải đến năm Duy Tân thứ 6 thì nhà Mường Kìm mới chiếm đoạt được từ xã Song Nga).
- Xã Cự Linh có Chòm Sành (gồm 3 chòm nhỏ hợp lại) thuộc tổng Cự Lữ.
3. Trong thời phong kiến và trước năm 1945 làng - xã thuộc Mường Dồ, Mường Kìm và các làng không thuộc Mường nào mà chủ yếu là lệ thuộc vào chính quyền của chế độ Phóng kiến.
Cẩm Ngọc là vùng đất có dân di cư vào sinh sống không phải từ một vùng, cùng đến một thời gian, mà từ nhiều nơi, trong khoảng thời gian khác nhau. Dựa vào các hiện vật thời đồ đồng mà người dân ở các làng Sành, Làng Sống, Làng Song, Đồng Lão, đặc biệt là năm 1976 gia đình ông Dương Đình Duyên (Làng Sống) đã đào được Trống đồng ở Bến Thuyền, Làng Sống càng khẳng định vùng đất Cẩm Ngọc đã có người việt sinh sống từ lâu đời.
Căn cứ vào tài liệu, sử sách vào các thư tịch cổ, gia phả của các dòng họ còn lưu giữ, đặc biệt là ở đình Làng Sống có đôi câu đối thờ thành hoành làng Tiên lực bình nhung tích hiển Lê, Hổ oai thoái lộ công phù Lý đình Làng Song với đôi câu đối Tự cổ đổng nhung bình Mạc khấu, đất Kim linh hách báo Lê dân và đình làng Nga Hạ có đôi câu đối Tích triệu Xiêm bang hùng hổ lược, công phù Lê chúa tích Long Vương. Những nguồn tài liệu trên khẳng định vùng đất xã Cẩm Ngọc đã có người sinh sống từ thế kỷ thứ X thời Ngô Đinh, Tiền Lê và những người có công với làng với nước từ thế kỷ XV.
Thời gian đầu dân cư đến đây sinh sống có 4 dòng họ là: Họ Quách, họ Bùi từ Hoà bình vào và họ Trương, họ Hà từ Bá thước xuống. Do nguồn gốc và thời gian đến đây lập nghiệp khác nhau nên khi đến đây họ cũng thiết lập những đơn vị hành chính và tổ chức lang đạo, phong kiến khác nhau vì vậy xã Cẩm Ngọc lúc bấy giờ chỉ có 17 Chòm nhưng địa giới hành chính lại thuộc quyền của 3 tổng (Mông Sơn, Gia Dụ, Cự Lữ) và một số Chòm còn lệ thuộc vào Mường và Lang đạo như: Đồng lão, Kìm Hạ, Chòm Ngán, Chòm Vả, Chòm Vạ thuộc Mường Kìm; Nga Thượng, Nga Hạ thuộc Mường Dồ (2 chòm này chỉ lệ thuộc Mường Dồ đến cuối thế kỷ XIX). Các làng còn lại không chịu sự chi phối của lang đạo là Chòm Song, Chòm Ngọc, Chòm Mống, Chòm Bái, Chòm Sống, Chòm Ruộng, Chòm Cò và hai chòm Nga Thượng, Nga Hạ từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1945.
4. Cấu trúc truyền thống của làng Mường, Làng Kinh.
- Cấu trúc truyền thống của làng mường:
Làng mường xã Cẩm Ngọc đó là những làng được hình thành từng chòm, mỗi chòm có một xã chòm, mỗi làng thường có từ 15 đến 30 hộ gia đình sinh sống, làng đông nhất lúc bây giờ có làng Kìm Hạ với 30 hộ dân. Làng Mường sống quần cư nơi dọc các chân đồi có khe suối, các mó nước và gần Sông Mã để người dân có nước sinh hoạt và sản xuất. Người Mường ở Cẩm Ngọc thường chọn những khu vực sát chân đồi, đồi bằng hoặc những nơi bằng phằng gần bờ sông, suối để làm nhà (trước năm 1945).
- Cấu trúc truyền thống của làng người Kinh xã Cẩm Ngọc.
Làng người Kinh ở xã Cẩm Ngọc chỉ có duy nhất Làng Phúc Ngọc, có nguồn gốc là công nhân Nông trường phúc Do, đa số là dân các nơi chuyển đến sinh sống quần cư thành làng.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đưa đồng bào miền xuôi đi định cư xây dựng vùng kinh tế mới, do đó từ sau năm 1960 các làng ở xã Cẩm Ngọc (8/9 làng) đều có bà con người kinh sống xen cư. Vì vậy việc tách bạch đâu là làng Mường, đâu là làng người Kinh thì không còn như trước năm 1945.
5. Cấu trúc nhà cửa, vườn tược, cây cối, của người Mường, người Kinh.
- Cấu trúc nhà cửa, vườn tược, cây cối của người Mường:
Cấu trúc nhà của người Mường. nhà của người mường xữa kia là nhà gác (nhà sàn) nhà được xây dựng ở địa thế đất bằng phẳng nơi gần cổng, vườn được bố trí về phía sau, cây cối lúc bây giờ chủ yếu là cây ăn quả, cây rừng tự nhiên và có trồng một số loại cây lương thực, rau các loại.
- Cấu trúc nhà cửa, vờn tược, cây cối của người Kinh:
Cấu trúc nhà của người Kình là nhà đất, nhà thường nằm ở giữa khu đất, vườn tược ở xung quanh, trồng các loại cây ăn quả, cây lương thực rau màu các loại hiện nay thì người kinh thường làm nhà ra gần đường còn vườn tược thì ra sau nhà.
6. Các mó nước của làng, xã, chòm:
- Mó Đa thuộc làng Song Nga ngày nay, lượng nước nhở không có tục kiêng khem gì, nước chủ yếu dùng cho người dân sinh hoạt; Mó nước Eo Gío Làng Kìm hiện nay đã nằm trong làng hồ Eo gió chủ yếu dùng cho người dân đi đồi và gia súc uống; Mó nước Cây Nắng Làng Song chủ yếu dùng cho người dân đi đồi và gia súc uống; Mó nước Chà váy Làng Sành trước đây dung cho người dân sinh hoạt, nay người dân không còn dùng nữa mà chủ yếu dùng cho gia súc uống.
Tuy nhiên hiện nay các mó nước đã bị mất nước vào mùa khô, vào mùa mưa mới có nước chảy ra nhưng lượng nước ít, hiện nay người dân không còn dùng nước mó nữa.
7. Các xứ đồng nương rẩy.
* Làng Đồng lão:
- Đất ruộng: Khu lầy 10,5ha; Trước làng 4,7ha; Giữa đồng 7,3ha; Đồng cà 8,7ha; Ngọc láo 3,2ha; Gò trang 1,8ha; Cây bi + Gò quốc 0,8ha; Lụng 6,7ha.
- Đất bãi: Cây lai 3,5ha; Bến đá 7,3ha.
* Làng Song nga:
- Đất ruộng: Đồng mổ 5ha; Cao lương 1,5 ha; Gò trảy 1ha; Gò trang 2ha; Giữa đồng Băn đường 10ha; Vồng châu Trà hiêm 5ha; Vồng cốc 2ha; Sấm kỵ 2ha; Vồng sông 3,5ha.
- Đất bãi: Cây lai 6,3ha
* Làng Nga hạ:
- Đất ruộng: Góc song - Ban đu 5,2ha; Vồng mai Nà từ 2,7ha; Ban ngang 2,2ha; Cỏ trằm Ban cống 4,8ha; Gốc đu 0,8ha; Đồng kè 2,7ha; Phầm trăm 2,6ha.
- Đất bãi: Bãi giáng 5,1ha; Vó vắng 0,3ha
* Làng sống:
- Đất ruộng: Khu Đồng lãi 1,1ha; Đồng kè 1,8ha; Đồng dọc 2,6ha; Phần trăm Đồi Nghè 3,1ha; Đồng mổ 1,1ha; Xóm Đạc 2,3ha; Chà đa 1,1ha; Gò giềng 1,7ha; Đồng Me 2,6ha; Chộc Bọc 2,5ha; Đồng ngà Khóm khém 2,2ha; Gò mối 3ha; Hốc bò 2,6ha; Hốc khế 2,8ha; Chà xi 1,6ha.
- Đất bãi: Bãi Dáng 12,5ha; Ba Gò 18,5ha; Cửa Hón 2ha; Bãi Tre 3,5ha
* Làng Ngán Vải:
- Đất ruộng: Đồng Dọc 8,3ha; Đồng Vóc 3,2ha; Đồng Bùi 2,2ha; Đồng Khoai 4,5ha.
- Đất bãi: Bãi Biêu 4,5ha; Bãi Hố 4,5ha; Bãi thầu 2ha.
* Làng Kìm:
- Đất ruộng: Đồng nhạ 6,5ha; Mổ quán Vó đa dưới 2ha; Vó đa trên Cây trắm Cây nhuối 8ha; Đồng đàn 3ha; Vuông lớn Vuông nhỏ 2ha; Đồng minh 3ha; Chiêm lớn - Hoa đại- Chà mát 6ha; Dọc mòn 4ha; Cánh ác Chân đẳng 5ha; Tràng Cả 4ha.
- Đất bãi: Bãi Trong 5ha; Bãi Hàng 1ha; Bãi En 6ha; Bãi Nhất trên 4ha; Bãi Nhất dưới 4ha.
* Làng song:
- Đất ruộng: Đồng Mổ - Ban Phụ 1,7ha; Mý trên Mý dưới 1,3ha; Ba Mẫu 1,5ha; Băn Trầm - Đu đu 1,5ha; Băn Lùm Vóng 1,2ha; Dọc trên Dọc dưới 2ha; Băn Bận Băn Rù 1ha; Gốc Lội Băn Tản 1,5ha; Chà si Tràng bái 0,8ha; Tràng Trảy 2,5ha; Rài song 2,5ha; Gốc Thị 0,5ha.
- Đất bãi: Làng ràng 5ha; Chà đô 1,2ha; Nghè vua 0,5ha; Đá Mụ 0,5ha; Gò vót 0,8ha.
Làng sành:
- Đất ruộng: Đồng do 6ha; Đồng Minh 2,4ha; Đồng nghè 4,3; Đồng mả - Khấm sang 2,4ha; Đồng Phốc 0,8ha; Đồng Chiêm 4ha; Mường Khô 1ha; Ao Ma Cây Khộp 0,6ha; Tràng Cầu 0,5ha; Khứa đông 0,5ha; tràng Bái 0,5ha.
8. Kể tên sông hón suối đi qua làng, xã.
- Hón Thung bằng bắt nguồn từ đồi Chu nhập với hón Ban Ngang thành hón Cán chảy qua Đồng Lão, Song nga , Cầu nghia, Làng Sống rồi chảy ra Sông Mã.
- Hón Cầu đất bắt nguồn từ Đồng Mổ (Song Nga) chảy qua Nga Hạ ra Làng Sống và nhập vào hón Nghia chảy ra Sông Mã.
- Hón Ngán bắt nguồn từ Làng Thân, Làng Rồng Cẩm Long chảy ngược chiều với thân đất từ cuối xã Cẩm Long đến trước Làng Mọ nhập với hón Báy thành hón Lớn chảy qua Làng Báy, Mi Sơn rồi qua Chà Vải, Làng Ngán, Làng Kìm và nhập vào Sông Mã.
- Hón Co bắt nguồn từ hồ Phúc Ngọc chảy qua Làng Ngán cũ rồi nhập vào hón Ngán chảy ra Sông Mã.
- Hón Nhạ bắt nguồn từ giữa Đồng Nhạ chảy qua gốc Thị (Làng Song) rồi nhập vào Sông mã tại điểm Vực Nhạ.
- Hón Minh bắt nguồn từ cuối Làng Song chảy ra đầu Làng Sành rồi nhập vào Sông mã.
- Hón Sành bắt nguồn từ đồi Lim chảy qua Làng Sành rồi nhập vào Sông Mã.
9. Kể tên núi, đồi thuộc phạm vi của xã.
- Núi đá: Núi đá vôi Đồng Lão
- Núi đất:
+ Đồng lão: Đồi Đổng, Đồi Thung Bằng
+ Song nga: Đồi Đang; Đồi Chu
+ Làng Sống: Đồi 315
+ Phúc Ngọc: Đồi Đu
+ Làng Ngán Vải: Đồi Cả trọng
+ Làng Kìm: Đồi chộc bộc, Đồi Đồng khoai, Đồi Hang đắng, Đồi đá lửa.
+ Làng Song: Đồi Phụ Nạy (Đá lớn), đồi Hang Hùm, Đồi Cây Đa, Đồi Mòn hòn Đồi cây khộp.
+ Làng Sành: Đồi Hang phin, Đồi Vốc voi, Đồi Nhạ, Đồi Gốc khăng Thằng Manh, Đồi Lim, đồi Mả, đồi Cây Ngẩy, đồi Lạn, đồi Gò nắng, đồi râu Dăm, đồi Đồng phốc, đồi bái Chiêm.
10. Nêu tên các cánh rừng thuộc phạm vi làng, xã.
Cánh rừng Thung bằng thuộc làng Thung cũ nay đã bàn giao cho lâm trường Cẩm Ngọc; cánh rừng đồi đu, đồi đang thuộc làng Song nga; Cánh rừng 315 thuộc Làng Sống; Cánh rừng Hang đắng thuộc Làng Kìm; Cánh rừng Hang Hùm, Phụ Nạy (đá lớn) thuộc Làng Song; Cánh rừng Vốc voi, Rừng lim, Cây ngẩy thuộc Làng Sành.
Hiện nay rừng nguyên sinh đã không còn nữa, vì vào khoảng những năm 80 của thế kỷ 20 người dân đã chặt phá rừng lấy gỗ, làm nương, làm rẫy. Đến cuối những năm 90 thì thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng theo nghị quyết 02 cho nhân dân, hiên nay rừng được trồng lại nhưng chủ yêu là rừng sản xuất, cây trồng chủ yếu là keo, luông, chỉ có một số ít trồng lát.
- Trước năm 1945 trong rừng có các loại muông thú như: Hổ, báo, Nai, Hoảng, Lợn lòi, Cày, Cáo, gà rừng, sóc, khỉ, rùa, cầy hương, nhím, chút, Vẹt, đa đa, bim bịp, khiếu, sáo ....
- Cho đến những năm từ 1970 trở lại đây do rừng bị chặt phá các loại thú như: Hổ, báo, nai không còn xuất hiện nữa, chỉ còn lại một số loai như: khỉ, vẹt, cầy, cáo, gà rừng và một số loài chim với số lượng ít.
11. Quy cách phong tục làm nhà sàn người mường.
Quy cách làm nhà sàn, nhà gác của người mường.
- Người mường xã Cẩm Ngọc làm nhà sàn (Nhà gác) cột bằng gỗ, sàn bằng tre, nứa, lợp tranh. Các cây gỗ được người dân chặt từ trong rừng về sau đó được dùng rìu để đẽo cột, kèo dựng nhà. Nhà được tạo thành bằng cách chặt đẻo các cây gỗ, gác lên với nhau buộc bằng dây rừng hoặc lạt tre, mây nhà thường có nhiều cỡ nhà 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà làm nhà to hay nhỏ. Gổ thì tùy vào điều kiện kinh tế mà lấy gỗ tốt hay gỗ tạp về làm nhà. Phụ kiện kèm theo là một sàn được bắc ra ngoài làm nơi để nước, sinh hoạt tắm rửa và các dụng cụ phục vụ cho việc nấu nướng.
* Về phong tục.
Trước khi làm nhà người Mường cũng giống người kinh hay một số dân tộc khác đều xem ngày tốt xấu rối mới làm nhà, việc xem ngày làm nhà của người Mường lấy theo lịch Ngày lui tháng tới dựa trên cơ sở tính theo ngày sao đánh (Nghĩa là ngày sao tua rua đi qua mặt trăng, người Mường gọi là sao roi). Sau khi làm xong phải có bếp trong nhà đốt lửa để xua khí lạnh tạo không khí ấm cúng.
Hiện nay trong xã chỉ còn 2 nhà sàn mới phục hồi, một nhà ở làng Sống (do gia đình làm mới) một nhà ở Làng Sành (được mua lại ở nơi khác về dựng). Nhà Sàn ở Cẩm Ngọc không còn được sử dụng vào cuối những năm 80 trở lại đây, với việc chuyển cư, di cư, cây rừng ít dần, bên cạnh đó là tư duy về nhà ở có sự thay đổi do quá trình xen cư và làm nhà đất của người Kinh tác động vì vậy người dân thay đổi bằng nhà đất xây tường, lợp ngói, tôn.
* Làm nhà đất của người kinh:
Quy cách trước kia người kinh làm nhà đất theo kiểu nhà long cốt có nghĩa là tất cả trọng lực của ngôi nhà đều bằng cột, kèo nhà long cốt là loại nhà đầy đủ các cột, chân tay, ngoài xây tường bao quanh lợp ngói. Về sau gỗ hiếm thi làm nhà theo kiểu gác chếnh có nghĩa là không còn dùng cột nữa mà trọng lực ngôi nhà đều đặt lên tường xây, lợp ngói ở trên có cột kèo gác lên 4 bức tường. hiện tại thì có rất nhiều kiểu nhà nhà mái bằng, nhà tầng, nhà ống .... về phong tục thì cũng chọn ngày tốt, chọn tuổi làm nhà, trước khi làm phải làm lễ động thổ, lễ dựng nhà, lễ lên nhà mới vv..
12. Trước 1945 làng và các mường có những loại ruộng đất nào?
Các loại đất ruộng gần làng, đất ruộng ven chân đồi, đất ruộng trong khu vực thung lũng, đất bãi ven sông, những cánh đồng bậc thang thấp.
13. Sở hữu đất đai trước cách mạng tháng 8 năm 1945:
Ruộng đất chủ yếu là của các quan Mường như chánh tổng, lang đạo, lý, hương. Những ruộng tốt nhất đều thuộc vào các quan cai quản mường, xã, ruộng đất của Binh lính đi đánh thuê cho Pháp. Một số ruộng do nhân dân khai hoang nhưng với số lượng ít, đa số đất đai xấu. Một số nông dân ít ruộng phải làm thuê đất của địa chủ.
14. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất:
Ngay sau cách mạng tháng 8 năm 1945 hầu hết đất bãi và đất ruộng của các Lang đạo và quan lại của chế độ cũ đã được chính quyền giao cho người dân sản xuất. Một số gia đình giầu có cũng chỉ giữ ruộng thêm một thời gian cho đến đầu những năm 1950 khi có chính sách thuế nông nghiệp thì đều trả laịo cho chính quyền để chia cho các hộ dân thiếu đất sản xuất
15. Kỹ thuật trồng lúa nước, kỹ thuật trồng trọt trên đất bãi, nương rẫy của người Mường.
- Kỹ thuật trồng lúa nước của người Mường:
Dùng trâu, bò cày bừa đất thật kỹ sau đó cấy lúa, ngày xưa người Mường thường gieo mạ sau đó nhổ thành từng bó rồi cấy, phân bón chủ yếu là phân chuồng, hoặc lấy lá cây rừng về ủ làm phân xanh để bón cho cây lúa, làm cỏ bằng cào, bằng tay. Tùy theo những con ruộng có gần khe suối mà người ta dẫn nước vào ruộng theo hệ thống mương phai, trước kia người Mường cũng cấy 2 vụ lúa nhưng vụ mùa (mùa mưa) là chủ yếu. Ngày nay kỹ thuật trồng lúa vẫn dựa trên những canh tác truyền thống cũ nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật nên việc trồng lúa nước được sản xuất trong cả 2 vụ, vụ chiêm và vụ mùa, việc cấy lúa chủ yếu bằng mạ sấn, hoặc có thể gieo xạ, công đoạn làm cỏ nhân dân đã đổi thành phun thuốc cỏ, bỏ phân ngoài phân chuồng thì còn có thêm các loại phân hóa học. Hệ thống mương được đào đắp và xây kiên cố, đảm bảo cấp nước cho toàn bộ diện tích đất trồng lúa, có hệ thống máy bơm điện, bơm dầu cả 2 vụ trong năm.
- Kỹ thuật trồng trọt trên đất bãi:
Việc sản xuất trên đất bãi trước đây thường là phát dọn đốt cỏ làm sạch, tiếp đến cày bừa bằng dùng trâu, bò sau đó gieo tỉa theo mùa vụ (các loại ngô địa phương). Sau khi có HTX nông nghiệp thì việc sản xuất trên đất bãi có sự thay đổi như dùng máy cày, bừa để làm đất và cùng với việc gieo ngô lai thì đã có thêm các loại cây trồng mới như đậu, lạc, vừng và gần đây là mía nguyên liệu.
- Kỹ thuật trồng trọt trên nương rẩy.
Người mường sau khi phát dọn nương rẩy sạch cỏ đợi khi trời mưa đất ẩm rồi đem hạt ra gieo, hình thức gieo bằng cách lấy một cây gậy đẽo nhọn đầu rồi tiến hành chọc lỗ gieo hạt xuống lỗ rồi lấy chân lấp lại. khi tiến hành làm cỏ trên nương rẩy chủ yếu là nhổ cỏ hoặc sáo xới, thường là người ta không bón phân. Hiện nay việc trồng trọt trên nương rẩy ngoài hình thức chọc lỗ, thì thêm hình thức cuốc lỗ, làm cỏ thi hiện này ngoài việc sáo cỏ còn thêm hình thức phun thuốc cỏ.
16. Kỹ thuật tưới tiêu, đắp đập be bờ của người Mường.
Về kỷ thuật tưới tiêu thì người Mường có một số diện tích gần khe suối sử dụng hệ thống mương dân nước để đưa vào ruộng theo kiểu tự chảy từ cao xuống thấp, nhưng đa số diện tích trồng lúa đều nhờ nước mưa, trước kia thì việc trồng lúa nước chỉ diễn ra một vụ vào mùa mưa. Hiện nay thì đã diễn ra hai vụ và có hệ thống mương dẫn nước đến ruộng, có hệ thống bơm nước do xã quản lý, điều hành, chủ yếu là ruộng bậc thang thấp, chênh lệch độ cao của các ruộng không đáng kể do đã có quá trình cải tạo và Dồn điền đổi thửa.
17. Trước năm 1954 người Mường cày bừa:
Dùng trâu, bò để cày bừa, bừa. Có hai giai đoạn bừa, bừa ải (bừa vỡ) là hình thức bừa cho đất vỡ dập suống để ngâm nước cho lũn ra, sau một thời gian đất lũn ra thì mới bừa lại, khi đất nhỏ tơi người ta mới trang cho bằng phẳng rồi tiến hành cấy lúa (việc canh tác trên đất bãi cũng tương tự nhưng không có công đoạn ngâm nước).
18. Nghề chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, Vịt, ngan, ngỗng của làng xã trước kia và hiện nay như thế nào?
- Về Chăn nuôi trâu, Bò:
Trước kia việc chăn nuôi trâu bò phát triển bởi vì mỗi hộ gia đình phải có từ 01 con trâu, bò trở lên để lấy sức cày kéo, đồi núi lúc này cũng chưa giao đất, giao rừng nên thuận tiện cho việc chăn thả trâu, bò, hộ ít phải có một con trâu, bò to, hộ vừa vừa có từ 4 đến 7 con, hộ nhiều có trên chục con. Xưa kia trong rừng có hổ nên người Mường thường làm chuồng trại dưới gầm nhà gác, bên ngoài có làm rào để hổ không vào bắt được, về sau khi rừng không còn các loại thú giữ ăn thịt thì người dân đã chăn thả trâu, bò lên đồi ở khu vực có đồng cỏ, đến tối lại đuổi về chuồng, có thời kỳ vào dịp có việc hoặc lễ tết người ta còn thả trâu bò trên đồi hàng tuần sau đó mới lên đi tim về. Thời bao cấp hợp tác xã Cẩm Ngọc có trại bò với số lượng hàng vài trăm con.
Hiên nay tổng đàn trâu, bò giảm vì lý do đồng cỏ bị thu hẹp, đồi núi người dân đã trồng cây nên việc nuôi trâu, bỏ chủ yếu là phải đi lấy cỏ, lấy ngọn mía cho trâu bò ăn, ngoài ra thì có hộ còn cho ăn thêm các loại cám ngô, cám gạo. Toàn xã hiện có 1.250 con trâu, bò, số lượng các hộ có trâu bò chỉ bằng khoảng 70% so với tổng số hộ.
- Về nghề chăn nuôi Lợn:
Nghề chăn nuôi lợn trước kia việc chăn nuôi lợn thì hầu hết gia đình nào cũng có một vài con lợn trong chuồng hình thức chăn nuôi theo kiểu truyền thống nấu cám, hoặc cho ăn các loại rau, hoặc có thể thả rông cho lợn tự kiểm ăn, chăn nuôi theo kiểu này thì lợn chậm lớn cả năm chỉ được vài chục cân nhưng chất lượng thịt thơm ngon. Hiện nay với việc phát triển của khoa học kỷ thuật thì nghề chăn nuôi lợn có bước phát triển theo hướng công nghiệp, số hộ chăn nuôi lợn giảm nhưng hộ chăn nuôi lợn có số lượng lớn đến vài chục con hoặc trên trăm con và nuôi theo hướng công nghiệp, thức ăn cho lợn cám ngô, cám gạo, cám do các công ty thức ăn gia súc cung cấp, lợn chăn nuôi nhanh lớn, thời gian xuất chuồng ngắn nhưng chất lượng thịt thì không được ngon như trước.
- Nghề Chăn nuôi gà, vị, ngan, ngỗng:
Đối với nghề chăn nuôi gia Cầm thì trước kia hình thức chăn nuôi theo kiểu thả vườn, gia Cầm Chủ yếu thả để cho đi kiếm ăn và nhân dân cho ăn thêm các loại ngũ cốc nhưng không đáng kể, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ nào hầu như cũng chăn nuôi gà nhưng số lượng ít, còn đối với vịt, ngan thì chỉ có một số ít hộ chăn nuôi nhưng cũng không nhiều, nuôi ngỗng thì số lượng lại càng ít. Hiện nay việc chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng đã tăng số lượng đàn lên có hộ vài trăm con, trung bình vài chục con. Chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt, thả vườn nhưng thức ăn công nghiệp là chủ yếu.
Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện nay của hộ gia đình vẫn là nhỏ lẻ, chỉ có một số ít hộ gia đình chăn nuôi theo kiểu trang trại, gia trại.
19. Kỷ Thuật săn bắt, hái lượm của người Mường:
- Săn Bắn:
Người mường đi săn bắt dùng các hình thức như sau: Dùng Nỏ, Dùng Súng kíp, Dùng bẫy, chó săn, chim mồi cùng với con người đi săn theo từng đoàn để săn bắt thú rừng, chim muông các con vật trên rừng. Dụng cụ săn bắt của người Mường chủ yếu dùng súng kíp, tên nỏ, đi săn tập thể khoảng 15 đến 20 người trong đó chỉ có 5 đến 10 cây súng kíp còn lại một số không có vũ khí, khi vào rừng thì phân chia thành (gò) khua chiêng, gõ cồng và bầy chó săn. Người có súng vây ngoài. Trong khu (gò) có thú như nai, hoảng, lợn lòi hoảng loạn, sợ chó và người nên chạy ra thợ săn phục sẳn ở ngoài khi thấy con thú chạy ra thì những tay súng đã đợi sẳn sẽ nổ súng bắn hạ. Săn một mình hoặc 2 đến 3 người thi người đi săn vào rừng gặp thù thì họ tiến sát lại gần rồi bắn. Ngoài ra người ta còn đi săn bằng đèn vào ban đêm, khi thú nhìn ánh đèn thì người thợ săn tiến lại gần để nổ súng (tuỳ theo khoảng cách đối với từng con vật)
Về phong tục chia phần trong săn bắn:
Nếu gia đình nào săn bắt được thú lớn như nai, lợn lòi sau khi đem về nhà làm thịt đi mời làng đến ăn mừng (gọi là mừng may) mỗi người đến đều có quà như: gạo, rượu... Nếu đi săn tập thể mỗi khi săn về dù hôm đó được hay không được đều có sự rút kinh nghiệm cho cuộc đi săn hôm đó của mấy tay súng thợ, hôm sau khi nghe 3 hồi cồng của tổ săn là các tay thợ săn tiếp tục tập trung bàn kế hoạch và địa điểm cho cuộc săn hôm đó. Khi phường săn được thú thì cả hội tập trung làm thịt chia phần, du bắn được thú to hay nhỏ người bắn được cũng được chia 1/4 con thú (tức là một đùi sau, bốn chân, một thủ) lòng chia bốn, còn lại một đùi phần dành cho những người vào khua chiêng, cồng, một đùi dành cho những người có súng nhưng không bắn được. Phần còn lại là phần mừng dành cho toàn bộ đoàn săn kể cả những người không thuộc đoàn đi săn nhưng có mặt tại đó cũng được chia đều cho mọi người, vì người ta quan niệm đây là phần để lấy may nên cả mường, cả làng cùng được hưởng.
Về phong tục kiêng khem khi đi săn bắn:
Khi đi săn bắn được 1 hoặc 2 con thú, phần đầu tiên là người có uy tín trong phường săn lại nhổ lông tai, lông đuôi, ít tiết chỗ vết đạn bắn để vào lá cây gần chỗ con vật chết để cúng thần linh, thổ địa mong thần linh, thổ địa phù hộ hôm sau may mắn. Kiêng phụ nữ bước qua súng, nỏ, khi đi lên đồi, rừng dù lạ hay quen muốn tìm nhau hoặc gặp nhau phải dùng tiếng hú không được gọi tên nhau, khi vào rừng mang theo cơm để ăn trong rừng thì không được nói chuyện hoặc la ó. Kiêng kỵ nhất là đem cá, thịt khô vào rừng để nướng vì nghe mùi cá, thịt nướng thì ma rừng sẽ đến để tranh giành hoặc ám vào người sẽ nguy hiểm (đối với phụ nữ thì không được đội nón, hoặc mặc đồ đẹp vào rừng vì ma sẽ bắt).
- Hái lượm: Người mường thường lên rừng hái những quả có sẳn trên rừng ăn được về để ăn, hoặc đi đào củ mài.
20. Cách đánh bắt thủy sản trên sông, suối (Khe, hón):
- Dùng nơm, đó, chài, lưới, câu để đánh bắt:
Khi thấy cá, hoặc thủy sản người ta lấy nơm để úp lại, sau đó thò tay vào trong nơm để bắt; Đó người ta thường đặt vào những chỗ có dòng nước chảy qua để miệng đó vào dòng nước rồi lấy đất đắp xung quanh đảm bảo cho dòng nước chảy qua, khi cá hoặc các loại thủy sản đi theo dòng nước chạy vảo trong đó, khi có nhiều cá vào người ta nhấc đó lên rồi đổ cá vào giỏ (ven) hoặc vào thùng, xô ; Đánh bắt bằng lưới người ta dùng lưới dăng, khi cá bơi mắc vào lưới không ra được sau một thời gian khi có nhiều cá người ta mới kéo lưới lên rồi gỡ ra bỏ vào giỏ (ven), thùng, hay xô...; Cách đánh bắt bằng chài, khi người ta quăng chài thi chài xòe rộng ra, ở chân chài có các cục chì nhỏ khi xuống nước nó kéo miệng chài xuống sát mắt bùn, khi kéo miệng chài dần dần thu hẹp dồn các loại thủy sản lại ,khi kéo lên các cục chì nằm sát lại với nhau giữ các loại thủy sản trong chài; Đánh bắt bằng câu(câu cần,câu ống) có lưỡi câu, dây cước, mắc mồi vào lưỡi câu ,khi cá ăn vào mồi mắc phải lưỡi câu không ra được người ta mới kéo lên.
21. Các món ăn truyền thống của người Mường, người Kinh.
* Món ăn truyền thống của người Mường.
Các món ăn thường được chế biến từ các loại rau, củ quả có ở trong rừng, nhân dân trồng, các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, ngan, ngỗng, thịt trâu, thịt bò, cá, ếch, nhái, ốc và các loại thịt được nhân dân săn bắt từ trên rừng.
- Các món ăn truyền thống được nhân dân thường chế biến như: Thịt lợn luộc, gà luộc, thịt sào, với các loại rau, sào xả ớt, thịt nướng, làm dò, nem; Gà nấu canh loóng, xương lợn nấu canh loóng, canh loóng là món canh được nấu từ cây chuối, chuối rừng, chuối lá, chuối ngự... nhưng nấu với chuối rừng là ngon nhất. Cây chuối non sau khi được chặt về thái nhỏ ra thành từng lát bóp muối rồi bỏ vào nồi cho các loại gia vị mắm muối rồi nấu với thịt gà, xương lợn; Món canh Đắng được nấu với thịt, cá, thịt lợn, lòng lợn, thịt bò, lòng bò, thịt gà... lá dùng để nấu món canh đắng là lá chân chim có vị đắng, lá được băm nhỏ, thịt băm nhỏ rồi bỏ vào nồi cho mẻ, mắm tôm, các loại bột ngọt, ớt, xả trộn đều sao chín sau đó bỏ nước vào nấu.Các món ăn như thịt nướng, thịt luộc, thịt sào, nhái nấu với măng chua, hay măng sào với thịt vịt, thịt gà các loại, các loại rau luộc sào, nấu canh. Người mường còn ngâm măng với ớt đây là món thường dùng, măng tre, luồng được thái nhỏ, ớt làm sạch để quả rồi bỏ vào bình ngâm với nước muối. Trong ngày tết có làm các loại bánh như Bánh chưng, Bánh gai, Bánh tày, mứt các loại. Trong Đám cưới người mường không dùng món canh loóng.
* Món ăn truyền thống của người Kinh: Cũng có các món ăn như thịt, cá, rau các loại được nhân dân chế biến, món ăn truyền thống của người kinh chủ yếu là các món ăn gần giống như người mường, nhưng không có món canh loóng, hiện nay người Kinh đã biết nấu các món ăn của người mường .
Bánh dì, bánh tày dùng trong tết thanh minh, tết năm cùng, tết nguyên đán. Đám cưới có bánh phồng, bánh rán.
22. Đồ uống của người Mường, Kinh.
- Về rượu: Người Mường, người Kinh nấu rượu từ gạo, sắn, ngô tùy theo điều kiện kinh tế, ngày xưa thì chủ yếu nấu rượu bằng sắn ngô, ít nấu bằng gạo vì gạo thiếu, hiện nay thì rượu chủ yếu được nấu bằng gạo, về rượu cơ bản là giống nhau.
- Về uống nước: Người Mường hay người Kinh mỗi dân tộc lại có những đó uống khác nhau: Người kinh thì uống nước chè xanh, người mường dùng nước các loại cây hái từ trên rừng về, như nước vối, một số cây thuốc trên rừng có tác dụng giải độc mát gan, lợi tiểu, bổ thận Người Mường, người Kinh tuy uống nước dùng các loại cây khác nhau nhưng đều là các loại lá cây mang vị thuốc và bồi bổ sức khoẻ.
23. Kể tên các cây thuốc trong rừng mà người Mường, Kinh thường khai thác chữa bệnh, nếu một số bài thuốc hay để chữa bệnh .
Đối với các cây thuốc trong rừng dùng để chữa bệnh thì rất nhiều loại thuốc đa rạng phong phú, có tác dụng chữa được nhiều loại bệnh, có một số người có thể lấy được thuộc để chữa bệnh nhưng đây là những bài thuốc gia truyền chính vì vậy mà ban sưu tầm không thể sưu tầm được. Người Mường lấy được cây thuốc cho người đẻ uống nhưng tên cây thuốc thì không được tiết lộ.
24. Về dòng Họ:
- Người mường trong xã gồm các dòng họ: Họ Trương, Hà, Bùi, Phạm, Cao, Lê. Nguyễn, Quách, Phan. Các họ Trương, Hà, Phạm từ huyện Bá thước chuyển xuống; Các họ Quách, Bùi, Phạm từ Hoà bình và Thách thành chuyển vào.
- Người Kinh trong xã gồm các dòng họ: Họ Nguyễn, Lê, Kim, Dương, Hoàng, Đào, Vũ, Ninh, Trần, Các dòng họ đều thuộc các huyện miền xuôi của Thanh Hóa, các tỉnh phía bắc và một số thuộc người miền nam tập kết ra bắc đên đây làm ăn sinh sống chủ yếu là từ sau năm 1945 trở lại đây.
25. Về hệ thống cai trị ở trong Mường của người mường trước năm 1945:
Đứng đầu hệ thống là lang Đạo, giúp việc cho lang đạo gồm các chức sắc, chúa làng, Trưởng làng.
26. Về đường giao thông:
- Trước năm 1945 đã có đường giao thông đi qua xã (Nay là đường quốc lộ 217) còn các đường đi lại trong xã chủ yếu là đường mòn đường chưa được mở rộng giao thông đi lại khó khăn.
- Từ năm 1945 đến nay tình hình đường giao thông mỗi ngày được cải tạo. Đường được nhân dân mở rộng đào đắp, san lấp đi lại có dễ dàng hơn tạo điều kiện cho các phương tiện đi lại. Hiện tại xã Cẩm Ngọc có tuyến đường 217, Đường Ngọc Long chạy qua. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới xã đang tích cực giải tỏa cắm mốc mở rộng đường, từng bước B tông hóa đường giao thông nội thôn theo chương trình nông thôn mới.
27. Về nghề thủ công truyền thống.
Đối với các làng Mường, ngày xưa phụ nữ có nghề trồng bông dệt vải nhưng hiện nay không còn giữ được vì nhân dân mua vải về may quần áo. Nghề nấu gạch trước đây có đội ngành nghề của hợp tác xã, nhưng hiện nay trên địa bàn xã không còn nghề nấu gạch nữa. Nghề rèn có một số hộ gia đình rèn nhỏ lẻ nhưng hiện nay cũng không còn.
28. Nghề thủ công mới du nhập.
Nghề thủ công mới du nhập vào trong xã như: Thợ xây, thợ mộc, thợ may, thợ hàn và sửa chữa máy móc, cơ khí, điện tử, chắp thảm... Nhưng phần lớn nhân dân sống bằng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại và một số ngành tiểu thủ công nghiệp nhỏ.
29. Trước năm 1945 nhân dân sống chủ yếu bằng việc sản xuất nông nghiệp, săn bắn, khai thác các sản phẩm từ rừng để sinh hoạt, đối với việc khai thác lâm sản để buôn bán không có, nhân dân chủ yếu khai thác gỗ về làm nhà, tự cung tự cấp, các sản vật khai thác từ rừng chủ yếu để cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
30. Tình hình trao đổi mua bán hàng nông - lâm - hải sản.
Trước năm 1945 nhân dân xã Cẩm Ngọc chủ yếu là người dân tộc Mường sinh sống, đời sống nhân dân chủ yếu là tự cung tự cấp, ít giao thương buôn bán, trong xã không có cửa hàng, cửa hiệu, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là trao đổi giữa nhân dân trong xã với nhau, các sản phẩm săn bắt được ở rừng, đánh bắt được dưới sông suối chủ yếu là để ăn, người nào được nhiều thì chia cho làng, mời làng cùng ăn.
31. Kể Tên các di tích đền, chùa, đình, miếu, nghè, am đã từng có ở địa phương làng - xã ( kể Cả di tích còn và di tích đã mất).
- Làng Đồng lão: Có một ngôi đình ngay trên phần mộ để thờ ông Trương Nghĩa, ông được phong là thành hoàng làng (Bàn thờ ở ngay trên mộ theo kiểu Thượng sàng, hạ mộ)
- Làng Song nga: Có đình thờ Chà Do thờ Thành Hoàng là anh, em nhà Cun Dô và thờ vị thần là ông Hà Công Đức có công khai phá lập làng Nga Hạ trước đây.
- Làng Sống: Đình làng được xây dựng năm 1917 có 5 gian và chia làm 3 phần, gian trong cùng là chính tẩm thờ thành hoàng làng (được chiều Nguyễn sắc phong là Thượng đẳng thần). Ngoài đình chung còn có một ngôi đình ở Đồi Nghè, một bàn thờ ngoài trời khu Đồng Chiêm. Hiện nay đình và bàn thờ cũng không còn.
- Làng Song: Có một đình và một nghè, đình làng có đôi câu đối thờ thành hoàng làng Tự cổ đổng nhung bình mạc khấu, đất kim linh hách bảo lê dân nghĩa là người có công với nước, với làng.
- Làng Sành: Có hai ngôi đình được xây dựng vào năm 1817 (gọi là đình xòm Sành) thờ thành hoàng làng là ông Cao Sơn Hiển và Cao Sơn Tại; đình xóm Chanh thờ Bạch Nương Công Chúa, thiên Cô Thần Nữ. Cả hai đình này đều có các sắc phong của các triều Nguyễn (hiện nay đình đã bị hư hỏng, các sắc phong cũng đã bị thất lạc).
32. Ở xã có hang động gồm:
Làng kìm: Có Hang Đắng (nghĩa là nơi trú ngụ của loài dơi)
Làng Song: Có Hang Hùm, thơ Hán Nôm của ông Trương Công Bích như sau:
Thơ vịnh ngọn núi Hổ:
Địa thắng thang châu đệ nhất ban Song Nga hổ lĩnh tú trung sơn Dần cung ngật lập danh cương vọng Cấn vị cao tiên đại mạch hoàn Trĩ xuất trảo nha thiên sở tạo Nhạc phô thỏ vĩ địa kỳ quan Ngoại hình bách thú giai kinh phục Hùng dũng nhân long tại ta gian Dich nghĩa: Nơi thắng địa này đẹp nhất vùng Đỉnh núi hổ song nga nơi chung đúc khí thiêng Chót vót đứng cao sườn núi vọng Ngất ngưởng cao tít ngự trên dãy núi Đỉnh núi như răng nanh nhọn hoắt chĩa lên trời Khác chi núi ngũ nhạc đầu cuối một kỳ quan Bề ngoài (cửa núi) làm cho thú dữ kinh phục Còn con người gan dạ quần tụ đông đúc Ghi chú: (Song nga là tên của xã Cẩm Ngọc trước đây) |
- Làng Song:
Ở dưới lòng Sông Mã đoạn chảy qua Làng Song xã Cẩm Ngọc có quần thể đá với tên gọi Đá ông, đá mụ cũng được ông Trương Công Bích vịnh thơ như sau:
Hòn đó ông, đá mụ ở Song nga
Sông Mã nhìn xem có cảnh hay Đá kia ông mụ khéo an bài Sơn hà kết bạn không mòn mỏi Thiết thạch cùng nhau chẳng chuyển lay Vũ lộ chứa chan đà dạn mặt Ba đào chống chế biết già tay Xuân thu đứng đắn vui cùng nước Con cháu thanh danh mãi tháng ngày. Ghi chú: (Song nga là tên của xã Cẩm Ngọc trước đây) |
- Làng Sàng: Có hang Phin ( nghĩa là nơi trú ngụ của loài dơi)
33. Ghi chép, sưu tầm tài liệu về văn nghệ dân gian:
* Bài Cúng gia tiên dân tộc Mường (Mời gia tiên)
Ái dà dê da da, dà dê dạ dạ.
Tháng tréo mo con, mạng vến ăn trú, cơm pứng ní chăng pêu nhạo, cơm ro rạo phay chăng tàm vé , chèn ché chén rao phay chăng vé chỉ tềng , trai chu mở mến - xên nhiếu chi ông:
- Đại gia tiên, xên là: .
Các cố tá, gia xớ
- Ông chiều học, mú nọc nhá:
- Các vị chiếng láng khang chanh.
- Các cô tổ, các mú vá, các ún vá.
Các ngài còn ở trên môông, trên chớng cao, chiều rộng, nhá con ông là nhá:
Phận dân phải mà răng, phui nghể, phui lắng, xai năng trằng iếng , xiềng vé xôn con nhá ha, vé xa cho các ngái àn hay, cho các ngái àn mặt: ngay nay bán xết tà xa, bà mươi bán cơm canh khàng chạp tà tềng:
Tin chu tà khắm pán cơm tể rénh, pán kanh tà tới, con mời các ngái vến ăn xẹt cơm ,tể mà xin ông pêng hộ.
Các ngái ở trên chớng xớ, nha con phải xửa vâm ngay , ngái cón vến thăm mả, thăm mên, lến tồng, ở khoán :
Các ngái phải pảo khố xương xôn,xương con trở vền nhà ha ở láng xã huyện năm hết tà xa pa mươi tà tến, vâm pán cón tỏ như chùm bông tô - lồ lồ như chùm pông cào.
- ăn Cơm, óng ráo còn có pán trú ,của khang, câu may câu tróng, các ngài ở trên mở rộng chớng cao, chiều rộng , pêng cho nhà con, ông rá khúc khoẻ, con trẻ bình an , học cho àn, thi cho đậu,con tựa - con cái học lên đại học, tiến sỷ , mấn quan chức nhà nước , đậu bằng bảc sỷ đại học, kỷ sư, mấn àn bí thư- chủ tịch quản lý nhà nước, cho gia đình họ ha ông rá cực khoẻ, con trẻ bình yên, mâu cho có cơm , có ló cho ông , cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, kinh doanh cho àn triệu phú, tỷ phú, mấn cáy nhà choi chói nhà ngói - nhà lầu tậu àn xe hơi.
Các ngài ở trên nơ, trên nóng chóng cao nhà con, mới các ngài vến pênh hộ, các con thắp hương lên cho các ngài rằm phúi,múi lénh,khấn đến các ngái hay khấn ngay các ngái mặt.
Dà dê da dạ
Chắp tay hầu lạy( lạy 4 cái).
34. Làng xã có nhân vật tham gia phong trào Cần Vương Chống pháp của Hà Văn Mao.
Ông Trương Văn Út ( Làng Chà Vải), ông Trương Văn Đô (Làng Ruộng), anh em ông Hà Văn Ái, Hà văn Cách, Hà Văn Bái (Làng Sống) là những người tích cực tham gia chiến đấu cùng nghĩa quân Hà Văn Mao. Đặc biệt ông Hà Văn Cách đã trực tiếp dùng kiếm chặt đầu một thằng Tây nhưng sau đó Cụ bị thương năng và hy sinh.
35. TÓM TẮT LÍCH Ử XÃ CẨM NGỌC
1. Vị trí địa lý, địa hình, điều kiện tự nhiên.
Cẩm Ngọc nằm bên bờ tả ngạn sông Mã, cách trung tâm huyện lỵ Cẩm Thủy khoảng 6km về phía tây, cách thành phố Thanh hóa khoảng 60km về phía đông nam. Với tổng diện tích tự nhiên 2.999,78ha, xã có chiều dài trên 10km, chiều rộng từ 2 đến 6km (nơi rộng nhất 6km tính từ sông Mã đến đồi Chu, nơi hẹp nhất là 2km từ sông Mã đến eo Gió). Phía đông giáp hai xã Cẩm Long, Cẩm Phú, được ngăn cách bởi dãy đồi tranh như eo Gió, đồi Ngang; phía đông bắc giáp xã Thạch Cẩm (huyện Thạch Thành), ngăn cách bởi các dãy đồi tranh lẻ tẻ, có xen kẽ một phần núi rừng như đồi Đang, đồi Chu; phía tây giáp hai xã Cẩm Sơn và Cẩm Yên được ngăn cách bởi con sông Mã; phía nam giáp với xã Cẩm Tân và Nông trường Phúc Do, được ngăn cách bởi những dãy đồi, cánh đồng, cánh bãi; phía bắc giáp với xã Cẩm Phong, Cẩm Tú được ngăn cách bởi những dãy đồi, cánh bãi trải dài của thôn Tử Niêm và những dãy đồi tranh như đồi Đổng, hón Đen.
Về địa hình, Cẩm Ngọc thuộc vùng bán sơn địa nơi tiếp giáp giữa miền núi và đồng bằng nên các dãy núi đá vôi từ phía bắc huyện chạy dài xuống đến xã Cẩm Phong dừng lại bởi dãy núi Tử Niêm, Đồng Lão và các dãy núi cũng hạ thấp dần. Núi, đồi ở Cẩm Ngọc không cao, núi cao nhất ở cạnh Thung Bằng cao 359m và núi cao xấp xỉ ngọn núi này là đồi Đang, phần cuối xã có các ngọn núi cao từ 130 - 140m như núi làng Kìm, núi Cự Linh...
Về thủy văn, Cẩm Ngọc có sông Mã chảy qua với chiều dài qua địa phận xã là 7km, bao bọc lấy xã ở phía tây. Ngoài sông Mã xã Cẩm Ngọc còn có những khe suối chảy ra nhập vào sông Mã như: Hón Thung Bằng được bắt nguồn từ đồi Chu ra khu ruộng đồi Đang, nhập vào với Ban Ngang thành hón Cán chảy qua Đồng Lão, Song Nga, cầu Nghia, làng Sống rồi chảy ra sông Mã; hón Ngán được bắt nguồn từ làng Thân, làng Rồng (xã Cẩm Long), chảy ngược chiều với thân đất từ cuối xã Cẩm Long đến trước làng Mọ thì nhập với hón Báy thành hón lớn chảy qua làng Báy, Mi Sơn, qua cầu Ngán cũ ra làng Ngán, làng Kìm rồi nhập vào sông Mã. Bên cạnh hai khe suối có dòng chảy lớn, Cẩm Ngọc còn có các khe suối nhỏ có nước vào mùa mưa, mùa khô thì khô cạn như hón Lải làng Song Nga, hón Co làng Ngán, hón Minh làng Song, hón Sành làng Cự Linh...
2. Quá trình biến đổi làng xã:
Xã Cẩm Ngọc thời phong kiến thuộc Hán nằm trong vùng đất của huyện Đô Lung, quận Cửu chân. Đến Đời tiền Lê (989 - 1090) Miền đất của huyện Đô Lung được lê Hoàn đạt tên mới là Châu Vũ Lũng. Tháng 6/1407 nước ta bị giặc Minh Đô hộ, vùng đất Vũ Lũng có tên mới là Huyện Lạc Thủy bao gồm phần đất bắc Ngọc Lặc, Phía tây huyện Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Phía đông nam huyện Bá Thước và huyện Cẩm Thủy ngày nay. Đầu thế kỷ XV nhà hậu Lê điều chỉnh ranh giới nên lạc thủy được đổi thành Ba Long rồi Đa Cẩm. Đời vua Lê thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469) huyện Đa Cẩm đổi thành huyện Cẩm Thủy, tên Cẩm Thủy được giữ nguyên đến ngày nay.
Trước năm 1945 xã Cẩm Ngọc có tên là xã Song Nga. Cuối năm 1945 đổi thành xã Ngọc Kìm, năm 1946 theo chủ trương của ủy ban kháng chiến hành chính (UBHC) Tỉnh Thanh Hóa, 12 xã của Cẩm Thủy đổi tên có chữ Cẩm đầu tiên và từ đó có tên là xã Cẩm Ngọc. Năm 1960 chuyển Làng Mống và Làng Bái về xã Cẩm Long, năm 1964 chuyển làng Ruộng và Làng Cò về xã Cẩm Yên, Năm 2004 tiếp nhận làng Phúc Ngọc thuộc xã Phúc Do chuyển về theo nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay xã Cẩm Ngọc có 9 làng là: Đồng Lão, Song Nga, Nga Hạ, Làng Sống, Ngán Vải, Làng Kìm, Làng Song, Làng Sành, Phúc Ngọc.
Trong kháng chiến chống Pháp là địa bàn tập kết lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ cho chiến trường miền Tây, Hà Nam Ninh, Điện Biên Phủ như: Làng Sành, Làng Song, Làng Kìm là địa bàn tập kết của các đoàn vận tải đường sông trong kháng chiến chống Pháp; Các làng Ngán Vải, Làng Sống, Song Nga là nơi tập kết vũ khí, lương thực, thực phẩm trên tuyến vận tải đường bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ các làng đều là nơi bộ đội tập kết (sư đoàn 308, lữ đoàn 299 ), các làng Sống, Làng Kìm, Làng Song, Làng Sành là nơi tập kết của các đoàn xe vận tải phục vụ chiến trường Miền nam. Làng Song Nga, Làng Kìm là nơi sơ tán của cơ quan huyện uỷ Cẩm Thuỷ, trường cấp III Cẩm Thuỷ, Trạm 3 của công ty thương nghiệp Miền núi
Trong kháng chiến chống Pháp Cẩm Ngọc có 31 người tham gia bộ đội, hàng trăm lượt người tham gia dân công và TNXP, có 8 người là liệt sỹ, 2 người là thương binh, hàng trăm người được thưởng huân, huy chương kháng chiến, trong khág chiến chống Mỹ có 304 tham gia bộ đội, hàng chục người tham gia TNXP và dân công hoả tuyến, có 73 liệt sỹ, 33 thương bệnh binh, 2 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 156 người được thưởng huân, huy chương kháng chiến. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc có 130 tham gia bộ đội, có 22 liệt sỹ, 13 thương, bệnh binh các loại. Thực hiện nhiệm vụ đóng góp lương thực thực phẩm cho tiền tuyến hàng năm nhân dân trong xã đóng góp hàng trăm tấn lương thực, hàng chục tấn thực phẩm.
Trên đây là báo cáo của Ban sưu tầm dư địa chí xã Cẩm Ngọc
Tổ sưu tầm:
1. Đ/c: Nguyễn Trung Thông PBT. Thường trực Đảng uỷ Tổ trưởng.
2. Đ/c: Nguyễn Đăng Minh Chủ tịch hội NCT xã Thành viên.
3. Đ/c: Quách Ngọc Hiếu Cán bộ văn hóa xã Thành viên
T/M. ĐẢNG ỦY
Bí thư
Cao Tuấn Lương